NAM-MÔ MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO!

Bản tin phật giáo / Gia đình Phật tử / DUY TRÌ VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Tâm Nguyên , Thứ Hai 2013-07-30

LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ VÀ XÂY DỰNG

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU NGÀY CÀNG VỮNG MẠNH?

 

                                                                             Huynh trưởng cấp Tín

                                                                Chánh Thiện Trí – Nguyễn Phước Lộc

                                                            Ủy viên Tu thư kiêm Đặc trách Tp. Vũng Tàu

 

 

Đây là bài tham luận thứ 4 đọc tại Hội thảo, và là bài thứ 2 đăng tải lên Ánh Nhiên Đăng để mọi người tiếp tục theo dõi về tình hình của khối Gia đình Phật tử Việt Nam hiện nay. Bài này viết chuẩn, đặc sắc, tâm tình tha thiết, và nhấn mạnh chủ trương chăm lo chánh báo trong khi y báo còn thiếu. Những chỗ gạch chân là những chỗ BBT. Ánh Nhiên Đăng lưu ý quý đọc giả.

 

Trong phần phát biểu chỉ đạo của HT. Quảng Hiển, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngài có nêu lên thật tế: tỉnh nhà có khoảng 7 triệu dân, có gần 500 ngôi tự viện, nhưng chỉ có 26 Gia đình Phật tử và đa phần các huynh trưởng đều cao niên. Với tình hình đó, chính các huynh trưởng cao niên ở Bà Rịa – Vũng Tàu có suy nghĩ gì, chúng ta cùng theo dõi bài tham luận của Phật tử Chánh Thiện Trí để biết được phần nào…

BBT. Ánh Nhiên Đăng

 

 

 

 

Phật tử Chánh Thiện Trí đang đọc tham luận của mình tại Hội thảo

 

 

 

I. DẪN NHẬP:

 

Gia đình Phật tử (GĐPT) Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên có đường lối, có lý tưởng và có tổ chức quy mô. Gia đình Phật tử đã đáp ứng yêu cầu của đất nước, của đạo pháp nên dù trãi qua nhiều sóng gió trước những biến động của thời đại nhưng vẫn được duy trì và phát huy.

 

Mục đích của GĐPT là làm sao để giáo dục thanh thiếu niên thành Phật tử chân chánh, thành công dân tốt. Chính vì mục đích thiêng liêng đó mà người huynh trưởng hiện nay cần phải tiếp nối duy trì và xây dựng tổ chức GĐPT đang sinh hoạt ngày càng vững mạnh để khỏi phụ lòng các bậc đàn anh đi trước đã dày công xây dựng tổ chức.

 

 

 

II. NỘI DUNG CHÍNH:

 

A. ĐỂ DUY TRÌ TỔ CHỨC GĐPT:

 

1. Phải luôn luôn trung thành với lý tưởng, với mục đích của GĐPT đã vạch:

 

Trãi qua thời gian dài trên 60 năm, GĐPT có nhiều thay đổi về nội dung, về hình thức, nhưng mục đích không lúc nào thay đổi. Năm 1997, tại Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ IV, GĐPT được chính thức công nhận và được ghi vào Hiến chương Phật giáo Việt Nam. Đó là do chư tôn đức trong hàng giáo phẩm đã nhận rõ tổ chức GĐPT có lý tưởng cao đẹp, luôn luôn thực hiện đúng mục đích là đào tạo những Phật tử chân chánh, đầy đủ 3 phương diện Bi Trí Dũng để phục vụ đạo và đời. Vì vậy GĐPT muốn được duy trì, điều kiện tiên quyết là phải luôn luôn trung thành với lý tưởng, với mục đích.

 

 

2. Phải luôn luôn sống trong lòng Giáo hội Phật giáo:

 

Để thực hiện mục đích lớn lao nói trên, tự thân GĐPT cảm thấy mình quá bé nhỏ nên cần phải nương tựa vào Giáo hội Phật giáo và trở thành cánh tay đắc lực của Giáo hội trong việc hoằng dương giáo pháp cho giới trẻ. GĐPT không thể tồn tại độc lập mà cần phải có sự tương quan tương duyên với Giáo hội. GĐPT là một tế bào của Giáo hội; tế bào không thể sống  ngoài cơ thể và ngược lại cơ thể cũng không thể sống khỏe mạnh khi tế bào suy yếu. GĐPT đã đóng góp cho lịch sử Phật giáo Việt Nam nhiều dấu ấn vàng son và ngược lại Giáo hội Phật giáo vẫn luôn là điểm tựa vững chắc cho tổ chức GĐPT từ buổi sơ khai đến tận hôm nay.

 

 

3. Ban Huynh Trưởng phải có tinh thần và trách nhiệm:

 

GĐPT được duy trì đến hôm nay không những chỉ dựa vào yếu tố khách quan mà chính yếu là thuộc vào phần chủ quan tức là vào Ban Huynh Trưởng. Nhìn về quá khứ, những anh chị trưởng đi trước đã đầu tư biết bao tâm huyết vào tuổi trẻ, đã có một quá trình tận tụy hy sinh cho tổ chức để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nền luân lý đạo đức xã hội cho dân tộc. GĐPT hôm nay rất tự hào về tinh thần quên mình vì lý tưởng của các bậc đàn anh và cảm thấy mình có bổn phận phải rèn luyện tinh thần, thiết tha yêu lý tưởng, yêu đạo pháp, yêu dân tộc thì mới có thể nối gót các bậc đàn anh để hoàn thành trách nhiệm, để tổ chức GĐPT có thể duy trì mãi với thời gian.

 

 

B. ĐỂ TỔ CHỨC GĐPT NGÀY CÀNG VỮNG MẠNH:

 

GĐPT Việt Nam đã hiện diện trên 60 năm với nhiều cống hiến cho đạo pháp, cho dân tộc. Ngày hôm nay, nếu nhìn vào số lượng đoàn sinh có thể nói là đông hơn thuở ban đầu mới thành lập, nhưng bầu nhiệt huyết hầu như đã nguội dần và nội dung sinh hoạt thì cũng chưa theo kịp sự tiến hóa của xã hội. Nếu muốn tổ chức GĐPT ngày càng vững mạnh thì cần phải nỗ lực hơn nhiều vì sự vững mạnh không thể chỉ dựa vào số lượng mà quan trọng là nơi chất lượng.

 

 

1. Cần xây dựng nội lực vững mạnh:

 

a. Ban Huynh Trưởng sống trong tình yêu thương và đoàn kết trong tinh thần lục hòa:

 

GĐPT có vững mạnh hay không chủ yếu là do nơi Ban Huynh Trưởng. Cần phải đào tạo đội ngũ huynh trưởng đầy đủ đức độ và năng lực đảm trách việc giáo dục thanh thiếu niên. Giáo dục thanh thiếu niên là sứ mạng thiêng liêng của GĐPT. Muốn hoàn thành sứ mạng này, người huynh trưởng cần phải sống trong đoàn kết và yêu thương mới mong xây dựng tổ chức vững mạnh. Trong một buổi lễ trao cấp hiệu cho huynh trưởng, hòa thượng Thích Thiện Duyên, Trưởng Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung Ương đã dạy: “Không ai thương mình bằng chính mình thương mình. Cũng vậy, không ai thương GĐPT bằng chính các anh chị huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT thương lấy GĐPT của mình… Do đó, các anh chị em là người có học, có tri thức, có bầu nhiệt huyết phải biết nhìn lại nhau, cảm thông những lỗi lầm cho nhau, ôm lấy nhau đoàn kết một lòng để cùng nhau xây dựng ngôi nhà Chánh pháp.”.

 

Để có được sự đoàn kết và yêu thương, GĐPT cần phải luôn luôn áp dụng Lục hòa trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt. Tinh thần Lục hòa là yếu tố quyết định sự tồn vong, sự vững mạnh của tổ chức.

 

b. Cải tiến chương trình tu học và sinh hoạt cho phù hợp với thời đại mới:

 

Cố huynh trưởng Võ Đình Cường đã có nhận định trong bài Thử tìm một lối đi cho GĐPT Việt Nam như sau: “Tuy có một mục đích vô cùng tốt đẹp song nội dung các hoạt động của GĐPT đã có ít nhiều khô cứng, cần có một cuộc cải tổ toàn diện. Chúng ta phải đưa vào hoạt động GĐPT một luồng sinh khí, một nội dung cụ thể nhưng linh hoạt, một hình thức quen thuộc nhưng mới mẻ…”.

 

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh cũng thấy cần thiết là phải làm mới lại GĐPT. Trong lời nói đầu của GĐPT Việt Nam 50 năm xây dựng, hòa thượng có viết: “Cũng như bất cứ một thực tại sinh động nào, tổ chức GĐPT cần được làm mới lại để có thể khôi phục và phát triển sức sống của nó. Nếu chúng ta không có những nỗ lực để làm mới lại tổ chức GĐPT thì trong tương lai tổ chức này sẽ chỉ giữ được cái vỏ hình thức, mất đi sức sống mãnh liệt của những thập niên ban đầu…”.

 

Phân ban GĐPT Việt Nam hôm nay cũng đã có nhiều cố gắng trong việc làm mới lại tổ chức GĐPT. Vào năm 2006, Phân Ban GĐPT có tổ chức Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng để tu chỉnh lại chương trình tu học cho phù hợp với thời đại, đặc biệt là có đưa vào chương trình phần thực tập thiền định cho các đoàn sinh. Nhưng để hướng dẫn thiền định cho có kết quả, GĐPT cần phải tổ chức những khóa tu thiền cho các huynh trưởng vì hiện nay các huynh trưởng có vẻ lúng túng trong việc hướng dẫn các em tu thiền.

 

 Việc làm mới lại tổ chức GĐPT có lẽ cần phải làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới thì mới có hy vọng khôi phục lại sức sống mãnh liệt ban đầu của GĐPT.

 

c. Trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo:

 

Để duy trì và phát triển GĐPT, chúng ta cần phải đổi mới tổ chức và muốn đổi mới phải có con người mới. Trong quyển Đại cương Giáo dục GĐPT của anh Nguyên Nghĩa Trần Văn Lễ có ghi: “GĐPT là một tổ chức giáo dục trẻ với những hoạt động đòi hỏi người phụ trách không những về mặt tri thức, đạo đức, mà còn có sức khỏe để đảm đương các nhiệm vụ cần sự năng động, linh hoạt và tháo vác. Hơn nữa người trẻ sinh trưởng tiếp cận ngay hiện đại, với tư tưởng kiến thức kỹ năng mới rất cần cho sự sinh hoạt cải tiến GĐPT.”.

 

 Và nơi tuần báo Giác Ngộ số 78 năm 1997 cũng có bài viết về trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo GĐPT như sau: “Chúng ta nên mạnh dạng và gấp rút trẻ trung hóa hàng ngũ lãnh đạo có năng lực, có đạo đức. Nếu không GĐPT chúng ta khó đứng vững, không thể sánh vai cùng xã hội trong thế kỷ tới… Từ đó, chẳng mấy chốc dẫn đến sinh hoạt GĐPT không còn thích hợp với con người thời đại mới.”.

 

Trong những lần Đại hội Đại biểu Huynh trưởng GĐPT toàn quốc gần đây cũng đã có nhiều cuộc thảo luận về việc trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo, nhưng đến thời điểm hiện tại việc thực hiện chưa được bao nhiêu. Nhìn chung, cấp lãnh đạo GĐPT hiện giờ tuổi đời hầu hết đã trên bảy mươi, vì vậy chúng ta nên sớm bàn giao chức vụ lãnh đạo cho thế hệ trẻ để tổ chức GĐPT sớm đứng vững và phát triển trong thời đại mới.

 

 

2. Việc phát triển GĐPT phải được xem là nhiệm vụ trọng yếu của Giáo hội Phật giáo:

 

Tại Đại hội kỳ năm của Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, bài tham luận của thượng tọa Thích Toàn Đức có ghi: “Vấn đề giáo dục con em Phật tử, ươm mầm hạt giống, đào tạo tầng lớp kế thừa, lúc nào cũng được quan tâm đúng mức. Trong xã hội hiện nay, những tệ nạn đang lan tràn trong tầng lớp thanh thiếu niên càng khiến chúng ta gia tâm lo lắng hơn bao giờ hết. Là một tổ chức thường xuyên gắn bó với Giáo hội trong nhiều công tác Phật sự, thì việc duy trì và phát triển GĐPT phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Giáo hội chúng ta.”.

 

Rất mong ý tưởng trong bài tham luận của thượng tọa Thích Toàn Đức sẽ sớm thành hiện thực để tất cả chư tôn đức Tăng, Ni đều có nhiệm vụ chăm lo GĐPT, ươm mầm hạt giống Bồ-đề cho thế hệ trẻ, vào lúc xã hội báo động đang xuất hiện quá nhiều tội phạm trẻ trong xã hội hiện nay.

 

Tại Thừa Thiên – Huế và trong tỉnh Quảng Trị, hầu như chùa nào cũng có tổ chức GĐPT. Theo số lượng thống kê cuối năm 2003, tại Thừa Thiên – Huế có 184 đơn vị GĐPT, tại Quảng Trị có 162 đơn vị GĐPT. Còn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chúng ta hiện nay chỉ có 26 đơn vị GĐPT, một con số quá thấp so với số lượng chùa trong tỉnh. Kính mong chư tôn đức Tăng, Ni trụ trì các chùa trong tỉnh thành lập thêm tổ chức GĐPT để mở ra con đường đưa thanh thiếu niên đến chỗ an lành và góp phần xây dựng xã hội thêm tốt đẹp.

 

 

 

III. KẾT LUẬN:

 

Tóm lại, sự duy trì và xây dựng GĐPT càng ngày càng vững mạnh gồm 2 yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng là phần chủ quan. Khách quan có thể được xem là y báo và chủ quan là chánh báo. Khi đã có chánh báo thì y báo sẽ theo đó hiện ra. Thế nên nếu còn thiếu y báo, người huynh trưởng chớ vội chán nản mà hãy quay lại chăm lo phần chánh báo, lo hoàn thiện con người mình và tổ chức mình thì dần dần mọi sự tốt lành sẽ đến với mình, với tổ chức.

 

                                                                            

-------------------------------------------------