CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Giấc mơ qua

Tâm Nguyên , Chủ Nhật 31-08-2014

 

Giấc mơ qua

 

      Lưu Thủy      

 

 

Một mùa xuân nữa đang tràn về trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Trong nắng, trong gió, trên lá cây và muôn hoa, ở nơi con người, ở nơi vạn vật đều tươi thắm, đẹp xinh, tuôn tràn sức sống. “Xuân đã về rồi đó”, tôi vừa cắm hoa vừa thầm nói với mình như thế. Những đóa hoa đẹp nhất tôi dâng lên cúng đức Phật. Mà đóa hoa nào cũng đẹp, nên đóa hoa nào cũng có chỗ để tôi cắm. Tôi cặm cụi trang hoàng bàn thờ, các thầy khác thì cắm đào, treo lộc, quét dọn… Lúc đó khoảng 8 giờ rồi, Hòa thượng đi qua hỏi lớn:

 

– Các con, có ai đi cúng không?

 

Ai cũng thưa là đang bận nên Hòa thượng bỏ đi. Tôi đang cắm một bình hoa lớn. Những cành lay-ơn to và dài, hơn 20 chục cành cắm vào làm cho cục mốp mới bể nát. Tôi loay hoay sửa lại, hết nhảy xuống ngắm nghía lại leo lên cắm, thật cũng hơi mệt với nó. Quay qua huynh đệ kế bên, tôi nói:

 

– Khi nãy Hòa thượng kêu mình đi cũng có lý. Trang trí kỹ quá chỉ thêm mệt…

 

Những ngày cuối năm đã mau chóng trôi qua. Ai cũng mệt mỏi, nhưng ai cũng vui. Thật là có đủ thứ chuyện để làm. Dù sao thì cũng phải làm cho đạo tràng tươm tất một chút. Mà một cái chùa thì có nhiều việc hơn một cái nhà. Chư Tăng, các Phật tử, dù đông người nhưng ai cũng có việc cả.

 

Ba ngày tết lại trôi qua. Thầy trò đã chúc tết nhau, vui vẻ với nhau. Tuy nói rằng những lời pháp đầu năm của Hòa thượng mới là món quà chính, thế nhưng Hòa thượng vẫn lì xì cho mỗi đệ tử một phong bì đỏ. Đêm giao thừa ai cũng được lì xì, rồi lại được hái một lộc Xuân nữa. Trong lộc Xuân của tôi có một câu mà tôi còn nhớ, đó là: “Niệm câu Bát-nhã tánh linh còn hoài”…

 

Khoảng ngày mùng 10, tôi theo Hòa thượng vào Thành phố Hồ Chí Minh, đến Tòa đại sứ Mỹ. Khi Hòa thượng và cô Hoa mang giấy tờ vào xin thị thực thì tôi ngồi đợi ngoài xe. Hồi sáng có ghé đến đây rồi, và tôi cũng chỉ có bổn phận là ngồi ngoài xe. Chiều, trời nắng, nóng và nhiều bụi bặm. Tôi bấm kính xe lên, đề máy, mở máy lạnh, ngả ghế nằm nghe thuyết pháp. Nghe hết hai mặt băng, tôi ngồi dậy bật đài FM, AM, rà xem có tin gì hay. Tiếng đài hơi lớn nên Hòa thượng ra đến xe tôi mới biết. Vừa vào xe Hòa thượng đã nói:

 

– Con mở máy lạnh lâu quá làm cho máy xe bị rốc rồi.

 

Tôi im lặng. Chạy một đoạn thì Hòa thượng nói tiếp:

 

– Con xem đồng hồ nhiệt nè, máy xe mình chạy cả ngày cũng đâu nóng thế này.

 

Tôi chồm người ngó đồng hồ nhiệt rồi lại im lặng. Tuy kim đồng hồ có nhích lên nhưng vẫn còn nằm giữa các vạch trắng mà, đâu có đáng để Hòa thượng nói khó chịu như thế? Chắc thấy không khí trong xe hơi ngột ngạt nên cô Hoa bắt chuyện:

 

- Bây giờ mình đi về hay đi đâu nữa không, sư phụ?

 

Hòa thượng đáp sẵn:

 

- Thì đi về chứ để người ta nôn. Cho người ta xuống rồi sư phụ đi trám răng.

 

Tôi vẫn im lặng, và cảm thấy khó chịu hơn. Đâu phải làm thầy rồi muốn nói gì thì nói. Từ sáng tới giờ, suốt cả ngày nay tôi có nôn hồi nào? Tôi nghĩ mình đã theo thầy bao năm nay thật không có lúc nào được tự chủ: thầy nói gì mình cũng nghe, những điều có vẻ vô lý mình cũng ráng hiểu cho có lý; thật mình đã nô lệ lâu quá rồi. Một kẻ cứ đuổi theo âm thanh, sắc tướng mãi thì đến bao giờ mới tự chủ được chứ?…

 

Cả ba người trên xe đều im lặng. Hòa thượng dừng xe trước chùa bảo tôi xuống. Tôi cũng chẳng nói điều gì. Quả thật là tôi thấy ngán. Nếu như tất cả chúng sanh rồi sẽ phải thành Phật thì có cần bắt buộc phát Bồ-đề tâm hay không? Phát tâm chỉ là phương tiện, chứ phát tâm đâu phải là mục đích. Khuyến phát tâm là một cách gợi cho người ta có ý thức về Chân lý mà thôi. Như mình đã có ý thức về đời sống cao thượng rồi, thì mình đâu cần phải thề nguyện gì nữa…

 

Vừa đi vào, tôi vừa nghĩ ngợi, vừa mỉm cười chào lại các bà cụ. Lúc đó trong lòng tôi đã có một quyết định. Tôi đã biết quá rõ những trói buộc trong cuộc sống gia đình. Những năm tháng xuất gia cũng đã cho tôi thấy rõ những trói buộc trong một ngôi chùa, một tịnh xá. Mục đích của đời tôi là đi tìm giải thoát. Buông bỏ danh dự và quyền lợi, sống đời du Tăng chẳng phải là sung sướng rảnh rang lắm hay sao!...

 

Vào lúc cả chùa đang yên lặng trong giờ tu thiền, tôi đã lặng lẽ ra đi, sau hai tiếng đồng hồ suy nghĩ. Y và bát, tọa cụ, vài vật dụng cá nhân, tôi chỉ mang gọn trong một tay nải. “Đi ta đi hề, đất rộng trời cao, năm tháng nào trói buộc đời Tăng sĩ!”… Không ai biết tôi ra đi. Mà mấy chú nhỏ giữ xe có thấy tôi đi chắc cũng không để ý. Tôi không về lại tổ đình của mình. Tôi không bỏ đạo, cũng không bỏ thầy, không giận hờn ai hết, đơn giản là tôi chán những sinh hoạt tôn giáo rồi. Đức Phật đã cho tôi y và bát chính là cho tôi cuộc sống. Và chỉ cần thế thôi cũng đủ giải quyết các nhu cầu ăn và mặc. Còn chuyện ở và bệnh thì cũng dể giải quyết mà. Một khi mình không cần cao sang thì có gì là khó xử.

 

Bây giờ mình đi đâu? – À, tôi định ra hướng Bắc. Tôi ra đến Bến xe miền Đông mới nhớ là đi xe lửa có lẽ tiện hơn, dể chịu hơn. Tôi gọi 116 xin số điện thoại Nhà ga Sài Gòn. 10 giờ tối sẽ có một chuyến tàu rời ga. Mua một vé ngồi cứng, uống một hộp sữa và ngồi đợi mà tôi cũng thấy là lạ. Phải chăng tôi đang đi qua một bước ngoặt cuộc đời? Kinh sách, máy móc, đồ đạc… tôi đã bỏ lại hết rồi, những thứ đó mang theo chỉ thêm vướng bận. Trong nhà ga này ai cũng mang nhiều hành lý, chắc chỉ có mình tôi là ít mang đồ…

 

Đến 9 giờ rưỡi thì mọi người lên tàu. Có nhiều người đi toa bình dân. Một anh nhân viên mời tôi qua toa tốt hơn, nhưng tôi nghĩ là mình không được phép xài phí bảy chục ngàn. Quanh tôi, mọi người đều cũng muốn tiết kiệm bớt mấy chục ngàn, tôi đâu được phép sung sướng hơn mọi người chứ. Ngồi đối diện với tôi là hai bác nông dân. Họ hút thuốc, nói chuyện và nhìn ngó rất tự nhiên. Tôi cũng nói vài chuyện với họ. Một bác bảo tôi:

 

– Nói thật nhé, thầy mặc cái áo này nên tôi gọi thầy như vậy, chứ nếu thầy không mặc cái áo này thì thầy chỉ đáng cháu tôi thôi.

 

Tôi đáp “vâng” như một người Bắc rồi mỉm cười. Được thể bác ta nói tiếp:

 

– Thế khi nào thầy định lấy vợ?

 

Tôi làm nghiêm, nói:

 

– Vớ vẩn.

 

Bác kia cũng nhắc nhở bạn mình:

 

– Ông nói vớ vẩn lắm đấy, người ta đang đi tu đấy còn hỏi.

 

– Thì tôi thấy thầy đẹp trai quá. Ở làng tôi có người cũng đòi đi tu, rồi sau lại hoàn tục, rồi đi tu nữa… Tôi thấy thế nên tôi mới hỏi…

 

Còi tàu cất lên, những lời dặn dò, những giọt nước mắt và những cái vẫy tay tạm biệt giữa người đi và kẻ ở lại. Tôi và hai bác nông dân chẳng có ai đưa tiễn. Một bác bàn là sẽ ghé mua đôi dép da khi tàu dừng dọc đường. Bác kia cho rằng như thế là sĩ diện… Đến khi mọi người ngủ thì tôi cũng ngủ, nhưng ngủ không sướng. Tôi nghĩ rằng đời Tăng sĩ là như vậy đấy, đừng có mà mơ cao sang. Chỉ những lúc tàu dừng lại nhường đường cho các tàu tốc hành thì tôi mới có thể ngủ êm hơn. Tôi ngủ mà cũng chẳng băn khoăn gì. Đi đây không phải là để đến đâu. Tôi đi cũng chẳng phải là trốn bỏ một cái gì. Đơn giản là tôi không muốn tham gia hoạt động tôn giáo nữa…

 

Tuy đã kéo các cửa xuống hết rồi nhưng ngồi trong toa nhìn ra vẫn biết là trời sắp sáng. Ngoài kia loáng thoáng có các ngôi nhà thấp, cũ kỹ, nghèo nàn. Đã tới quê hương miền Trung rồi đây. Nhìn thấy vài giàn nho nên tôi đoán tàu đang đi qua Phan Rang. Tôi đi rửa mặt, vệ sinh, rồi về chỗ cũ. Tôi cảm thấy có một điều gì đó vừa mới thức dậy cùng với tôi vào buổi sáng này. Sao trong lòng tôi cảm thấy nao nao. Tôi đã giận thầy tôi ư? – Thì giận cũng là chuyện thường thôi, như muối, bột ngọt, tiêu, ớt, như một gia vị của cuộc sống con người đó mà. – Tại sao tôi lại ra đi? Tôi định làm lại từ đầu à? – Không, tôi không còn trẻ con như thế đâu. Tôi có chối bỏ những ngày tháng qua bao giờ. Mà đã không chối bỏ quá khứ thì đâu cần làm lại hiện tại. – Thế sao đột nhiên mình lại thay đổi? – Làm gì có chuyện nào đột nhiên mà được, bởi mình không lường trước là sẽ có chuyện này nên mình thấy là đột nhiên thôi.

 

Có một cái gì đó thúc giục tôi bước xuống tàu. Anh nhân viên ngái ngủ nói tàu chỉ ghé ga Tháp Chàm ba phút thôi. Tôi giải thích với anh là có chuyện cần nên tôi hủy chuyến đi. Anh ta bảo là vé sẽ không được bồi thường. Dĩ nhiên là tôi biết điều đó. Có hai người ở ga đã vui vẻ đón tiếp tôi. Khi biết tôi định mua vé quay vào Thành phố Hồ Chí Minh, họ hướng dẫn cho tôi rất kỹ. Nhận lòng tốt của họ mà tôi nghĩ: “Đây là do mình hồi tâm nên mới chiêu cảm những điều tốt đẹp này.”.

 

Cô trưởng ga hướng dẫn tôi lên Tháp Chàm chơi, đợi khoảng 9 giờ sẽ có tàu quay vào. Tôi lên Tháp Chàm, nắng sớm, hơi lạnh, nơi ấy đang tôn tạo thêm. Đường đi lên tháp có nhiều xương rồng, gai tua tủa. Khô khan, cằn cỗi, đìu hiu, cao ngất và đơn độc là những gì tôi cảm thấy ở tháp này. Hai cây me thật già, trái thật nhiều, lá thật ít. Một cây me đã ngã, bật lên gần hết các sợi rễ. Chỉ còn hai sợi rễ mà cây me ấy vẫn sống. Tôi lượm me ăn, đi xem ba cái tháp, rồi nhìn ra toàn cảnh xung quanh. Tôi là một vị sư có phải không? – Đúng vậy. – Thế tôi đang làm gì đây? Tôi từ bỏ tất cả mà đi, đến các nơi khác tôi lại sống với mọi người, hay tôi sẽ sống lẻ loi một mình?...

 

Tôi biết là mình phải đi về thôi. Trong nắng sớm tinh khôi, nhìn xuống hướng đường nhựa đi lên tháp tôi thấy một ngôi già-lam. Ở nơi đó có một bảo tháp vươn cao. Tôi biết bảo tháp ấy. Nơi ấy tôn thờ xá-lợi của một bậc cao đức [1]. Tôi không dám xuống lễ tháp vì ngại gặp người quen. Nhưng tôi phải noi gương các bậc thầy mới được. Đêm qua đối với tôi là một đêm luân hồi. Thánh đạo vốn vô cùng tế nhị. Và sự chênh lệch giữa các địa không phải ai cũng hiểu hay biết được đâu…

 

Người ta nói Phan Rang nghĩa là gió như phang, nắng như rang. Nhưng buổi sáng hôm ấy thời tiết rất ôn hòa. Tôi đứng bên tháp, ở dưới ga những người bán hàng rong trông thấy tôi. Khi tôi xuống ga lại họ có nói điều đó. Có lẽ do tháp màu đỏ gạch, cát đá trắng đục, cây quanh chân tháp xanh nhạt, nên y phục của tôi đã nổi bật lên chăng? Đến 9 giờ tôi lên tàu. Tàu này chạy 7 tiếng mới đến Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi lên tàu, ngồi giữa những người Huế. Khi ngồi gần nhau thì cũng nói nhiều chuyện này kia, đến khi xuống tàu thì mạnh ai nấy tản đi hết…

 

Từ lúc tôi ra đi đến khi tôi trở lại đã gần một ngày đêm. 24 tiếng cho một kiếp du Tăng diễn ra. Thế nên 24 tiếng ấy đã trở thành thật dài, chất chứa nhiều kinh nghiệm sống. 24 tiếng cho những gì ẩn náu trong tâm bấy lâu nay được trỗi dậy, rồi từ đó mình thấy được chính mình. Hình như có ai đó đã nói: “Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta!”. Mà thật sự đâu có ai biết tôi vừa qua một đoạn đường gần 800km. Nhưng đừng nói là 800, dù nhiều hơn nữa thì vẫn không dài bằng một kiếp sống. Đi suốt 800km mà chỉ ngủ li bì thôi thì đâu có giá trị gì. Có lẽ Hòa thượng là người biết rõ tôi vừa qua đoạn đường nào nhất.

 

Sau khi dự lễ tốt nghiệp xong, tôi đã về lại chùa của mình. Mọi người vẫn vui vẻ tự nhiên như ngày nào. Cây lá, trời mây, thiên nhiên và con người vẫn cứ thế… Tôi vừa mới ra trường, vừa được thầy cho vài roi nhẹ nhàng, và tôi đã phản ứng. Nhưng chớ nói điều này là không cần thiết. Nếu tôi có đệ tử, mà đệ tử ấy không hề biết phản ứng trước những biểu hiện của tôi, thì tôi sẽ chán nó lắm. Tôi đi lễ Hòa thượng, ngài vui vẻ như không có gì cả.

 

Ngày hôm sau tôi kể với một sư đệ:

 

– “Đêm qua trò đã nằm mơ. Trò mơ thấy mình đã quảy túi đi rong chơi khắp nơi, thật là sảng khoái. Người xưa có nói: “Gió mát trăng thanh mặc tình hưởng”, cho nên bọn mình cứ thưởng thức vô tư phải không?

 

“Trò đã đi chơi rất xa… Nhưng đi chơi riêng mình thì dể rồi, cho nên trò không mơ nữa.”…

 

Và rồi cả hai huynh đệ cùng cười. Dĩ nhiên đã là mơ mộng thì có gì đâu mà giải thích.

 

 

 



[1] Tháp thờ xá-lợi Trưởng lão Giác Lý.

 

 

-------------------------------------------------

 

Các bài liên quan