NAM-MÔ MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO!

Bản tin phật giáo / Phật giáo thế giới / Tưởng nhớ Thiền sư Goenka

Tâm Nguyên , Thứ Hai 2013-10-18

Tưởng nhớ Thiền sư Goenka:

Người xiển dương pháp tu Khôngtôngiáo

 

Quảng Kiến

 

Suốt hơn 2 tuần qua, rất nhiều trang tin trên khắp thế giới đã đưa tin về sự ra đi của “Người tiên phong phát triển dòng thiền Vipassana tại Ấn Độ”: Satya Narayan Goenka. Ông đã nhẹ nhàng ra đi vào tối Chủ nhật 29/9/2013, hưởng thọ 89 tuổi.

 

Không chỉ tại Ấn Độ mà nhiều nơi trên thế giới cũng đã long trọng làm lễ tưởng niệm ông, một vị thiền sư – cư sĩ giản dị mà vĩ đại, người đã phục hưng dòng thiền Vipassana tại Ấn Độ và xiển dương pháp tu này trên khắp thế giới bằng hình thức PHI TÔN GIÁO. Chính hình thức này đã giúp cho nhiều người, nhất là những người đến từ các tôn giáo khác, đạt được an lạc, lợi ích từ những lời dạy của đức Phật... 

 

 


Thiền sư Goenka – Người tiên phong phát triển dòng thiền Vipassana tại Ấn Độ

 

 

Sinh thời, Thiền sư Goenka từng nói: “Căn bệnh là căn bệnh chung, do đó thuốc chữa phải là thuốc chữa chung. Ví dụ, khi chúng ta nóng giận, sự nóng giận này không phải là sự nóng giận của người theo Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, không phải là sự nóng giận của người Trung Hoa hay người Mỹ… Tương tự, sự thương yêu và lòng từ bi không dành riêng cho bất cứ một sắc dân hoặc một nhóm người nào.”.

 

Những ai từng tham gia các khóa thiền Vipassana do Thiền sư Goenka hoặc các thiền sư phụ tá của ông hướng dẫn có lẽ đều nhớ rõ câu nói nổi tiếng này. Dĩ nhiên, đây chỉ là cách diễn dịch lại lời đức Phật Thích-ca Mâu-ni cách đây hơn 2.500 năm. Tuy vậy, câu nói này chính là kim chỉ nam cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của Thiền sư S.N. Goenka – người đã chủ trương xiển dương một pháp tu Không–tôn–giáo.

 

Trong hệ thống thiền đường của Thiền sư Goenka không có bất kỳ một hình ảnh hay biểu tượng nào của Phật giáo, Ấn giáo hay các tôn giáo khác. Do đó mà những khóa thiền do Thiền sư Goenka hoặc các phụ tá của ông hướng dẫn đã rộng mở cho bất cứ ai thành tâm muốn học phương pháp thiền, không phân biệt màu da, tín ngưỡng hay xứ sở. Những người theo Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Jains, Hồi giáo, Sikhs, Phật giáo và những tôn giáo khác – nam tu sĩ, linh mục, nữ tu sĩ cũng như các cư sĩ tại gia – đều đã thực tập Vipassana thành công.

 

Tất cả thiền sinh đều tạm buông bỏ những truyền thống của mình để toàn tâm toàn ý thực hành pháp thiền Vipassana – không cầu nguyện, không chuỗi hạt, chuông, linh hay các pháp khí khác. Theo S.N. Goenka, đó là một sự công bằng đối với Vipassana. Sau khóa tu, nếu thiền sinh cảm thấy an lạc, lợi ích thật sự, họ có thể tiếp tục thiền; bằng không, họ có thể từ bỏ để trở về với pháp tu truyền thống của họ. Dĩ nhiên họ có quyền kết hợp các pháp tu, nhưng đó không còn là Vipassana nữa! Và, Vipassana tuyệt nhiên không khiến người ta phải cải đạo.

 

S.N. Goenka thường nhấn mạnh rằng Vipassana là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ. Đức Phật Gotama là người tái phát hiện pháp tu này, và đó là tinh túy của những gì Ngài thực hành và giảng dạy trong suốt 45 năm. “Vào thời đức Phật, rất nhiều người thuộc mọi giai cấp trong xã hội Ấn Độ đã thoát khỏi khổ đau nhờ thực tập Vipassana, từ đó đạt được những thành quả lớn lao trên mọi phương diện của cuộc sống. Sau một thời gian, phương pháp này được truyền sang những quốc gia lân cận như Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan và những nước khác. Tại đó Vipassana cũng gặt hái được những thành quả tốt đẹp tương tự. Năm thế kỷ sau thời của đức Phật, truyền thống cao quý của Vipassana biến mất khỏi Ấn Độ. Tinh túy của phương pháp này cũng biến mất tại những nơi khác. Tuy nhiên tại Miến Điện, Vipassana được gìn giữ bởi nhiều thế hệ thiền sư đầy thành tâm. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong hơn 2.500 năm, dòng truyền thừa những thiền sư này đã gìn giữ phương pháp thiền tinh khiết như thuở ban sơ. Viên ngọc vô giá Vipassana, từ lâu được gìn giữ trọn vẹn tại Miến Điện, bây giờ đang được thực tập trên khắp thế giới. Ngày nay, càng ngày càng nhiều người có cơ hội được học nghệ thuật sống này.”, thiền sư Goenka đã nói thế.

 

 


Cựu Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil thăm viếng Thiền sư S.N. Goenka

(Mumbai, 02/2009) – Ảnh: EPA

 

 

Bản thân S.N. Goenka vốn không sinh ra từ một gia đình Phật giáo. Do đó, khi đến với Vipassana, S.N. Goenka phải trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng lớn, nhiều lần ông phải hoãn việc tham dự khóa thiền. Ông kể: “Sinh ra trong một gia đình Ấn giáo (Hindu) trung kiên và bảo thủ, ngay từ thời thơ ấu, tôi đã học ngâm bài kệ: “Thà chết trong tôn giáo của ngươi, trong pháp của ngươi, chứ đừng bao giờ cải đạo!”. Tôi tự nhủ: “Coi chừng! Đây là Phật giáo, một tôn giáo khác và những người Phật giáo là những người vô thần, họ không tin Thượng đế hoặc sự hiện hữu của một linh hồn đâu! (Làm như thể chỉ tin vào Thượng đế hay tin vào linh hồn là sẽ giải quyết được mọi vấn đề của chúng ta vậy!). Nếu ta trở thành một kẻ vô thần, thì cái gì sẽ xảy đến với ta? Ồ, không. Ta thà chết trong tôn giáo của mình, chứ ta sẽ chẳng bao giờ đến gần họ!”. Cứ như vậy, tôi đã do dự trong nhiều tháng. Nhưng rất may, cuối cùng tôi đã quyết định đi thử kỹ thuật này, để xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi đã tham dự khóa thiền và trải qua mười ngày. Rất may là tôi được lợi ích nhiều lắm. Giờ thì tôi có thể hiểu pháp của tôi, đạo lộ của tôi và pháp của những người khác...”.

 

S.N. Goenka là người Ấn Độ, song ông lại được sinh ra tại Miến Điện (Myanmar) trong một gia đình thương gia. Từ những năm đầu của tuổi 20 ông đã trở thành một trong những người giàu có nhất Miến Điện và bắt đầu say mê đi tìm uy tín xã hội, trở thành chủ tịch của rất nhiều tập đoàn lớn. Những căng thẳng trong cuộc sống đã khiến ông lâm vào chứng bệnh căng thẳng thần kinh (psychosomatic), chứng đau nửa đầu nghiêm trọng (migraine). Các bác sĩ giỏi nhất Miến Điện cũng bó tay và họ đành phải tiêm bạch phiến để làm giảm cơn đau cho ông. Hậu quả của việc tiêm bạch phiến ấy khiến ông phải đương đầu với những hậu quả của nó như buồn nôn, ói mửa, đau khổ. Ông du hành đến Thụy Điển, Đức, Anh, Mỹ và Nhật để chữa trị nhưng không mang lại kết quả khả quan nào, thậm chí chứng bệnh càng trở nên tệ hại hơn.

 

 


Những khóa thiền Vipassana cho quản giáo và phạm nhân trong trại giam

đem lại nhiều lợi ích thiết thực

 

 

Cuối cùng, nhờ pháp thiền Vipassana, S.N. Goenka không những chữa lành thân bệnh, mà tâm bệnh của ông cũng được vơi nhẹ. Ông cho rằng chứng đau nửa đầu ấy, cũng như việc sống trong cảnh giàu có ấy, là một duyên lành để đưa ông đến với thiền. “Nếu như bản thân tôi chưa từng biết cuộc sống của người giàu là thế nào, có lẽ tôi đã không có kinh nghiệm tự thân về sự rỗng không của một kiếp sống như vậy. Và nếu tôi không kinh nghiệm điều này, thì ý nghĩ cho rằng hạnh phúc thật sự nằm ở sự giàu sang có thể đã luôn luôn nấn ná trong một góc nào đó của tâm trí tôi (…). Và tôi cũng cảm thấy rất may rằng họ (các bác sĩ) đều đã thất bại (trong việc chữa trị chứng bệnh đau nửa đầu ấy).”, ông nói.

 

Sau 14 năm học và hành thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền sư U Ba Khin, năm 1969, S.N. Goenka trở về Ấn Độ và đưa pháp thiền Vipassana trở lại mảnh đất đã sản sinh ra nó. Mười năm sau, ông bắt đầu giảng dạy Vipassana tại những nước khác.

 

Tính đến nay (2013) đã có hơn 170 trung tâm thiền Vipassana chính thức trên thế giới được hình thành (kể cả các trung tâm tại Bắc Mỹ; tại Ấn Độ có khoảng 75 trung tâm), và giảng dạy bằng 25 ngôn ngữ khác nhau. Thiền sư S.N. Goenka cũng đã đào tạo được khoảng 1.500 thiền sư phụ tá để giảng dạy hàng ngàn khóa thiền tại hơn 90 quốc gia gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Đài Loan, Mông Cổ, Secbia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Campuchia, Philippines, Cuba, Anh, Ý, Việt Nam... và tất cả những nước tại Nam Mỹ. Con số thiền sinh tham dự là hơn 100.000 người với trên 1.500 khóa thiền trên thế giới mỗi năm...

 

Ban đầu, đến với các khóa thiền Vipassana này, nhiều Tăng Ni, Phật tử không khỏi cảm thấy bị “sốc” bởi hình thức Không–tôn–giáo ấy. Dù vậy, trong các bài giảng của mình, Thiền sư Goenka không hề “sáng tạo”, ông thuần túy trích từ kinh điển, từ lời của một bậc thầy Giác ngộ: đức Gotama. S.N. Goenka cũng chưa bao giờ tuyên bố mình là người Phật giáo. Nhưng, một điều hết sức rõ ràng là, ngay sau khóa thiền đầu tiên với Thiền sư U Ba Khin, suốt quãng đời còn lại, S.N. Goenka đã thực hành lời dạy của đức Phật và truyền bá lời dạy của Ngài ra khắp năm châu, đem lại lợi ích cho rất nhiều người.

 

Những thiền sinh tham dự khóa thiền Vipassana bỏ ngoài sự băn khoăn về tôn giáo truyền thống, về sự cải đạo. Họ yên tâm thực hành một nghệ thuật sống bằng phương pháp “Trong sạch hóa tâm hồn”, một phương pháp được hướng dẫn từ hơn 2.500 năm trước của một đấng Giác ngộ.

 

Thiền sư Goenka cũng đã không ngần ngại khi lên tiếng bảo vệ hình ảnh đức Phật. Tại một cuộc hội thảo, ông từng thẳng thắn đề nghị các chức sắc Ấn giáo rằng: “Hãy đặt đức Phật ở nguyên vị trí của Ngài, không nên gán ghép đức Phật vào hóa thân thứ 7 của Visnu, vì điều đó đã bóp méo sự thật lịch sử đức Phật.”. Đó không phải là hình thức bảo vệ đức Phật như là một đấng Giáo chủ, mà là bảo vệ sự thật, bảo vệ Dhamma.

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: Giác Ngộ Online, ngày 16/10/2013.