NAM-MÔ MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO!

Bản tin phật giáo / Tin Phật sự / Cuộc họp mặt các truyền thống tâm linh ở Ấn Độ

Tâm Nguyên , Thứ Tư 24-09-2014

 

Cuộc họp mặt các truyền thống tâm linh ở Ấn Độ

Nguyên Quý

(dịch từ Dalailama.com)

 

 

Vào ngày 20 và 21/9/2014, tại New Delhi đã diễn ra một cuộc họp mặt của các truyền thống tâm linh khác nhau của Ấn Độ. Tại cuộc họp mặt này, các đại biểu thảo luận về một số vấn đề quan trọng nhất đã làm suy yếu xã hội, đặc biệt là tại Ấn Độ.

 



Lãnh đạo các truyền thống tâm linh ngồi lại với nhau 
tại Ấn Độ
- chiếc nôi của nền văn minh thế giới, nơi khai sinh ra nhiều đạo giáo

 

 

Ấn Độ là chiếc nôi của một trong những nền văn minh lớn nhất thế giới, dẫn đến sự ra đời của nhiều hệ thống trường phái triết học, truyền thống tâm linh và đức tin khác nhau. Những tư tưởng triết học như Sankhya, Yoga, Vaishasika, Nyaya và sau đó là Mimamsa, Bodh, Jain và Charvaka đã được sinh ra và phát triển với sự tương tác rộng lớn; những cuộc tranh luận về những tư tưởng đó đã đạt đến một mức độ cao của sự tinh tế. Tương tự như vậy, nhiều dòng tâm linh vĩ đại nhất thế giới cũng bắt nguồn từ Ấn Độ, như: Vệ-đà, Shaiva, Vaishnava, Jain, Phật giáo, Kabir và Sikh. 

 

Bên cạnh những truyền thống tâm linh bản địa, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Zoroastrianism, Do Thái giáo và Bahai cũng đã được truyền vào Ấn Độ và phát triển. Do đó Ấn Độ đã trở thành một mô hình thực sự của sự hài hòa và đa dạng về tâm linh. Như vậy hầu hết các tôn giáo và truyền thống tâm linh trên thế giới đã cùng tồn tại một cách hòa bình ở Ấn Độ, hưng thịnh cùng nhau trong sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau trong suốt thiên niên kỷ.

 

Trong hơn năm thập kỷ sinh sống tại Ấn Độ, đức Dalai Lama đã thường xuyên gặp gỡ và tham gia các cuộc hội đàm với các lãnh đạo tinh thần, các học giả và các nhà hoạt động xã hội tại Ấn Độ. Rút kinh nghiệm từ những nỗ lực và những trao đổi ấy, đức Dalai Lama đã đưa ra ý tưởng tổ chức cuộc họp mặt này, “Cuộc họp mặt của các truyền thống tâm linh đa dạng ở Ấn Độ”. 

 

Cuộc họp này là một bước đệm để các nhà lãnh đạo tinh thần đi đến một chiến lược nhằm nỗ lực trong việc giải quyết nhiều vấn đề phổ biến và phát huy đạo đức. Bằng cách đến với nhau và cùng thảo luận, cuộc họp mặt này có thể củng cố những nỗ lực của chúng ta trong vấn đề này.

 

Những điểm quan tâm chung dưới đây là cơ sở để các nhà lãnh đạo tinh thần ngồi lại với nhau trong một cuộc hội đàm quan trọng:

 

- Những giá trị cơ bản của con người như lòng từ bi, khoan dung, tha thứ và khắc kỷ cần phải được phát huy trong dân chúng.

 

- Lịch sử loài người minh chứng cho một thực tế rằng đối thoại là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn bạo lực và giải quyết xung đột. Tinh thần của cuộc đối thoại, thuộc trọng tâm của tất cả các lời dạy tâm linh tuyệt vời, cần được phát huy trong một thế giới phụ thuộc và liên kết với nhau của ngày hôm nay.

 

- Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo phải được rút ngắn, vì nó là nguyên nhân tiềm tàng của nhiều cuộc khủng hoảng nhân lực, bao gồm cả bạo lực và bất công.

 

- Thế kỷ XXI được hình dung như là một thế kỷ rất văn minh, nơi mà giáo dục được coi trọng hơn sức mạnh thể chất. Phân biệt đối xử đối với phụ nữ là một dấu hiệu rõ ràng của tình trạng lạc hậu. Phụ nữ phải được trao quyền không chỉ để nhận được sự tôn trọng công bằng, mà còn để họ có thể thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình đối với sự tiến bộ của thế giới.

 

- Trái đất là ngôi nhà duy nhất của hơn bảy tỷ người. Cần nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này để người ta không phá hủy nó, mà quan tâm bảo vệ môi trường tự nhiên và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách có chừng mực.

 

- Với sự thay đổi của thời gian, một số pháp hành và nghi thức đã trở nên lỗi thời trong tất cả các nền văn hóa và các truyền thống tâm linh. Những phong tục cũ và các nghi thức cũ ấy cần phải được đánh giá lại.

 

- Sự gia tăng theo cấp số nhân trong việc suy giảm các giá trị đạo đức trên khắp thế giới là một dấu hiệu rõ ràng về sự thiếu hoàn hảo của hệ thống giáo dục hiện đại. Chúng ta cần phải suy nghĩ để tìm cách thực hiện việc giảng dạy đạo đức trong hệ thống giáo dục.

 

- Thông qua cuộc họp mặt của các học giả từ các truyền thống tín ngưỡng khác nhau để mọi người nhìn thấy những điểm tương đồng cũng như khác biệt của nhau, nhờ vậy mà thúc đẩy sự hiểu biết và đánh giá cao về sự cần thiết cho nhiều phương pháp tiếp cận phù hợp với khuynh hướng tinh thần đa dạng của con người.

 

- Cuộc họp mặt của các hành giả thuộc các tín ngưỡng khác nhau giúp chia sẻ lẫn nhau về kinh nghiệm tâm linh, chẳng hạn như: lòng từ bi, sự tha thứ, khoan dung, và sự khắc kỷ… điều này sẽ tạo ra sự tôn trọng thực sự đối với các tôn giáo, truyền thống tín ngưỡng khác.

 

- Việc xích lại gần nhau của các nhà lãnh đạo tinh thần trên cùng một nền tảng để bảo hộ cho tiếng nói của “hòa bình” sẽ truyền cảm hứng cho họ để họ cảm nhận được sự hợp nhất, không phân chia.

 

Tất cả các truyền thống tâm linh lớn từ lâu đã đem lại sự an ủi và cung cấp các giải pháp đa dạng cho những vấn đề khác nhau của con người. Ngay trong các truyền thống tâm linh ấy có những tri ​​thức và nguồn lực để giải quyết được nhiều vấn nạn xã hội, như nghèo đói, tội phạm và bạo lực, sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất, suy thoái môi trường, sự thiếu hụt các cơ sở giáo dục và y tế… 

 

Những chuẩn mực đạo đức có trong tất cả các nền văn hóa và các truyền thống tâm linh có thể giải quyết những vấn đề xã hội và cho phép xây dựng, phát triển xã hội loài người, đem đến một xã hội hòa bình, hài hòa và hạnh phúc hơn.

 

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: Giác Ngộ Online, ngày 24/9/2014.

Các bài liên quan